Loài hoa quý và cây xương rồng

 Sư phụ Trí Duyên rất thích trồng hoa. Trước chánh điện, ngài bày rất nhiều kệ hoa, xếp hoa cảnh mà chính mình trồng lên trên; lúc Phật tử đến nghe kể chuyện xong, cũng thích đến nơi này ngắm nghía.

Các loại hoa cảnh rất nhiều, có loại hoa phổ thông như nguyệt quế, hoa lan, cũng có loại hoa cảnh hiếm lạ, tiểu cũng không biết gọi là hoa gì.

Các Phật tử hình như đều biết sở thích này của sư phụ, nên khi họ lên núi nghe kể chuyện, thường thuận tay mang vài bình hoa lên cúng dường.

Thích trồng hoa cũng chưa chắc là đã trồng tốt. Trình độ trồng hoa cảnh của sư phụ Trí Duyên ở mức thường thường, thỉnh thoảng lại làm cho các loại hoa quý khô héo. Chỉ vì thường có người dâng hoa, nên giàn hoa trước Phật đường không thấy ít đi mà trái lại càng ngày càng nhiều thêm.

Trong trấn Diểu có một ông Phật tử già họ Nhạc; ông vốn ở thành thị, nhưng sau khi về hưu thường đến thị trấn nhỏ này. Nghe nói, lúc trước ông làm việc có liên quan đến cây cỏ nên có cùng sở thích với sư phụ Trí Duyên, chỉ là trình độ trồng hoa của ông cao hơn sư phụ nhiều, thậm chí chuyển thành hiệu ích kinh tế, ông chuyên môn trồng những loại hoa bán chạy đem xuống chợ bán.

Ngày nọ, ông Nhạc đến chùa nghe kể chuyện, đem lễ vật đến dâng lên sư phụ, là một chậu hoa nhỏ, trong trồng một cành cây nhỏ.

Tiểu không biết gọi đó là hoa gì, nhưng thấy sư phụ Trí Duyên rất đỗi vui mừng, nghĩ chắc đó là loài hoa quý hiếm.

Ông Nhạc nói với tiểu, loại hoa đó mua từ rất xa mang về, khi hoa nở khoe màu sắc sặc sỡ, nhưng loài hoa này rất khó dưỡng. Ông đặc biệt đem tới một quyển sách, chỉ cho sư phụ biết trong đó có vài trang nói về phương pháp dưỡng hoa.

Sư phụ Trí Duyên vui mừng nhận sách. Sau khi ông đó đi khỏi, sư phụ ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cẩn thận xem, rồi theo đó đem chậu hoa đặt tại nơi có nhiều ánh sáng, cẩn thận chọn loại đất, nước và vật liệu dưỡng hoa.

Sư phụ còn ghi vài điều về thời gian tưới nước bón phân, bảo tiểu nhớ nhắc nhở, kẻo sư phụ quên.

Chậu hoa đó được dưỡng hơn tháng, chưa đến lúc hoa nở thì đã khô héo. Sư phụ rất thất vọng, chỉ còn cách bỏ đi.
Ngày kia, dọn giàn hoa, tiểu đột nhiên phát hiện bên dưới có một chậu hoa Tiên Nhân Chưởng nằm lăn lóc, mà nửa tháng trước do không thấy, tiểu cứ ngỡ là ông Nhạc đã đem đi đâu hay là hoa bị rớt dưới giàn. Tiểu liền tưới nước cho hoa. Vài ngày sau, hoa liền xanh tươi như thường lệ.

Có loài hoa được tận tâm vun bồi, chưa tới tháng đã bị khô héo; có loài hoa bị bỏ lăn lóc hơn nửa tháng vẫn cành lá xanh tươi. Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên, làm sao mà Tiên Nhân Chưởng không bị khô héo? Sư phụ đáp, do vì Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, quen với việc khô hạn, nên không cần nước vẫn sống.

Thì ra, khốn khó không phải là nghịch cảnh, giống như hoa Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, do vậy mà sức sống càng thêm mãnh liệt.

Chúng ta đang sống trong cảnh khốn khó, có thể nên tự nói với mình rằng, tôi có thể vì thế mà trở nên lớn mạnh hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất