Hai “tiểu yêu” thích nghe kể chuyện

Giới Trần được bà đem đến chùa hồi còn nhỏ xíu. Sau khi cha mẹ ly dị, Giới Trần ở với mẹ. Ngày nọ, mẹ và cha kế của hắn cùng đi làm ăn xa, không về nhà nữa. Bà của Giới Trần đã già, lại hay bệnh hoạn, sợ ngày nào đó không thể chăm sóc cháu, nên đem gởi hắn vào cô nhi viện. Thế nhưng cô nhi viện lại cho là cha mẹ của Giới Trần đều còn sống, không phù hợp điều kiện để nhận, bà phải tìm đến chùa thưa chuyện cùng quý sư phụ, xem có thể gởi hắn vào chùa chăng.

Năm đó, chùa Thiên Minh còn vắng vẻ, quý sư phụ bàn bạc lâu lắm mới quyết định nhận Giới Trần. Cuộc sống của tu sĩ đơn giản, thêm một đứa bé cũng không khó khăn gì.

Năm Giới Trần vào chùa, hắn đã được bốn tuổi, thường không nói chuyện, không hay cười, cũng không có vẻ “dị ứng” với cuộc sống mới. Có lẽ do bị chuyển tới chuyển lui nhiều lần, lúc đầu ở cùng cha, sau đó được đưa đến ở với mẹ, rồi ở với bà, cuối cùng được đưa đến chùa, riết nên hắn thành quen.

Giới Si bẩm tính hiếu động, nhưng có việc gì cũng nhường cho Giới Trần; Giới Trần dần dần trở nên hoạt bát cũng phần nào nhờ Giới Si.

Giới Trần lúc nhỏ hay lén hỏi Giới Sân, có khi nào chùa lại gởi hắn đi nữa không? Giới Sân trả lời chắc chắn là không thể, từ đó hắn mới an tâm.

Sau vài tháng, Giới Trần dần quen với cuộc sống ở chùa, nên hắn không hỏi gì nữa. Có thể thấy, khả năng hàn gắn vết thương của trẻ thật nhanh chóng.

Lúc đó, Giới Trần và Giới Si còn nhỏ, sư phụ để hai chú nằm cùng giường. Tối nào hai chú cũng quậy quọ không chịu ngoan ngoãn ngủ, cứ vật tới vật lui hoài hoài.

Khi gần ngủ, hai chú liền đề nghị Giới Sân: Sư huynh kể chuyện cho hai em nghe đi. Nếu không kể, hai “tiểu yêu” không chịu nằm yên chỗ, Giới Sân chịu không xiết, đành đồng ý.

Lúc đó, Giới Sân khoảng 17 tuổi, vào chùa được 5 năm, không có nhiều chuyện để kể, lâu lâu lại đem những câu chuyện mà sư phụ Trí Duyên đã kể để biên soạn lại, chuyện kể càng hay, hai chú càng không chịu buông tha cho Giới Sân. Bị hai “tiểu yêu” “bức bách” đến không còn biện pháp nào, Giới Sân chỉ còn cách đem chuyện nhà ra kể, những mẩu chuyện đó không phải dùng giáo hóa người, mà chỉ dùng để hù dọa trẻ con, như trẻ con không nghe lời mẹ, không chịu ngoan ngoãn ngủ, cuối cùng bị ông kẹ hay bọn lưu manh, bọn yêu quái bắt đi.

Nhưng những chuyện này lại có hiệu quả hơn những câu chuyện của sư phụ. Những lúc kể đến khâu quan trọng, Giới Sân nhìn thấy hai chú đang tự bức bách chính mình, nhắm mắt lại để ngủ, rõ ràng là hai hắn đang sợ.

Có lẽ thời gian đó do Giới Sân kể nhiều về những người xấu, nên trong đầu hai chú thường nghi ngờ bậy bạ.

Có lần, mấy chú đi công việc dưới trấn, khi về chùa trời đã tối; đang tiết mùa đông, trời tối rất nhanh, màu đen bao trùm hết không gian đường núi, không có người đi đường, hai chú tiểu có vẻ sợ hãi, nắm chặt hai tay của Giới Sân.

Bỗng có một người đi sớt qua, Giới Si hỏi nhỏ Giới Sân: Có phải là người xấu không? Đó có phải là tiểu yêu mà sư huynh hay kể không?

Lại có một người già khoảng chừng bảy, tám mươi tuổi đi ngang qua nữa. Giới Trần lại hỏi: Có phải là ông kẹ, hay ông lưu manh mà sư huynh đã kể không?

Giới Si cướp lời: Đừng nghi tùm lum, biết đâu người khác lại cho rằng tụi mình gồm một yêu quái lớn dẫn hai tiểu yêu thì sao!

Cúi đầu nhìn hai tiểu yêu, Giới Sân nói to: Có mặt sư huynh, nếu như yêu quái đến cũng không sợ!

Giới Sân nắm chặt tay hai “tiểu yêu”, ưỡn ngực trước cái tối của hoàng hôn mùa đông, bước về phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất